Tin tức

Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động sở hữu trí tuệ

Để phát triển tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các ngành hàng thế mạnh của tỉnh và các tài sản trí tuệ mang tính cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của địa phương; Lâm Đồng đã triển khai việc hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sở hữu trí tuệ (SHTT). Từ đó, tăng thêm sức mạnh cạnh tranh của các hàng hóa, dịch vụ trên thị trường hiện nay.
 
Thương hiệu Rau, Hoa Đà Lạt ngày càng được thị trường ưa chuộng
Thương hiệu Rau, Hoa Đà Lạt ngày càng được thị trường ưa chuộng
 
Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp (chương trình 68/CP). Đây là một chương trình quốc gia được tổ chức với quy mô lớn và đồng bộ nhằm mang lại hiệu quả tích cực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực này (đến nay đã hết hiệu lực và thay vào đó là Quyết định số 2204/QĐ-TTg, ngày 6/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015). Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã ký Quyết định số 3310/QĐ-UBND ngày 3 tháng 11 năm 2006 về việc “Phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2006-2010”, trong đó có nội dung hỗ trợ phát triển thương hiệu (đến nay cũng đã thay đổi bởi Quyết định số 1263/QĐ-UBND, ngày 7/6/2011 của UBND tỉnh về việc Phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011-2015). 
 
Là cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý về hoạt động sở hữu công nghiệp, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai các nội dung liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. Từ năm 2006 đến nay, Sở đã triển khai dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động SHTT các năm 2006, 2007, 2008, 2010, 2011, 2012, 2013” và tiếp tục thực hiện cho những năm tiếp theo. Nội dung của dự án tập trung cho nhiều hoạt động như: tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, hội thảo nâng cao nhận thức về SHTT; hỗ trợ một phần kinh phí đăng ký nhãn hiệu cho các doanh nghiệp; hỗ trợ một phần kinh phí cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ thương hiệu nổi tiếng Việt Nam; xây dựng khung chương trình quảng bá về tài sản trí tuệ cho mọi doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; xây dựng điểm tra cứu thông tin về SHTT. Đồng thời đã đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Trà Blao”, “Rau Đà Lạt” ra nước ngoài; hỗ trợ các địa phương xây dựng xác lập quyền các nhãn hiệu mang chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh và triển khai các hoạt động quản lý và phát triển các nhãn hiệu này. Thông qua các nội dung thực hiện của chương trình trong các năm qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
 
Đối với công tác hỗ trợ cho các địa phương xây dựng các nhãn hiệu sở hữu cộng đồng (nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận gắn với tên địa danh mang chỉ dẫn địa lý), tính từ năm 2006 đến nay, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho 5 đặc sản địa phương gồm: Trà Blao, Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Cà phê Di Linh, Dứa Cayenne Đơn Dương và 6 nhãn hiệu tập thể “Lúa gạo Cát Tiên”, “Rượu cần Lang biang”, “Chuối LaBa”, “Nấm Đơn Dương”, “Cá nước lạnh Đà Lạt”, “Bánh tráng Lạc Lâm”. Bên cạnh đó, có 2 nhãn hiệu tập thể: “Rượu Cát quế Bảo Lâm”, “Mây tre đan Madagui” và 2 nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê Arabica Lang Biang”, “Diệp hạ châu Cát Tiên” đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục SHTT và đang trong thời gian xét nghiệm cấp văn bằng. 
 
“Trong thời gian qua, với sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành và đặc biệt là vai trò của các chủ nhãn hiệu đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… Đến nay, các thương hiệu hàng nông sản của tỉnh sau khi được hình thành đã góp phần tăng sản lượng tiêu thụ, tăng giá trị sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh tiến được những bước dài trong khâu tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Đối với thương hiệu Rau Đà Lạt, Hoa Đà Lạt, Trà B’Lao, Chuối La Ba, Lúa - gạo Cát Tiên… các đơn vị được cấp ủy quyền sử dụng nhãn hiệu này đã tổ chức tiếp cận thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, hợp đồng tiêu thụ. Qua đó, công việc kinh doanh ngày càng ổn định và phát triển, đảm bảo khối lượng nông sản cung cấp cho đối tác đúng chất lượng, thời gian cam kết. Việc các nhãn hiệu trên được thể hiện hiệu quả là do phát huy được vai trò của các chủ nhãn hiệu trong công tác tuyên truyền, phối hợp với các ngành thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm”, ông Đặng Hữu Huy - Phòng Quản lý Công nghệ và Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN, chủ nhiệm dự án Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động sở hữu trí tuệ cho biết.
 
TUẤN HƯƠNG

Tin tức gần đây:

Việt Nam sẽ trở thành Hà Lan của ngành trồng hoa Châu Á?

Việt Nam sẽ trở thành Hà Lan của ngành trồng hoa Châu Á?>

Trong 10 năm trở lại đây, lượng xuất khẩu hoa của Việt Nam sang thị trường lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản đã tăng gấp bốn lần

Lâm Đồng là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững

Lâm Đồng là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững>

tỉnh Lâm Đồng có nhiều thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi dựa vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC).

Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động sở hữu trí tuệ

Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động sở hữu trí tuệ>

Để phát triển tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các ngành hàng thế mạnh của tỉnh và các tài sản trí tuệ mang tính cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của địa phương