Tin tức

Lâm Đồng là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững

Là tỉnh miền núi, vùng cao thuộc Nam Tây Nguyên, Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 9.773,54km2 với dân số 1,246 triệu người. Là một trong những tỉnh có tiểu vùng sinh thái sản xuất nông nghiệp rất đặc thù, độ cao các vùng sản xuất nông nghiệp biến động rất lớn, từ 250 - 1.600m so với mặt nước biển. Vì vậy, tỉnh Lâm Đồng có nhiều thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi dựa vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC).
 
Thu hoạch chè bằng công nghệ tiên tiến tại Bảo Lộc
Thu hoạch chè bằng công nghệ tiên tiến tại Bảo Lộc

Trên cơ sở lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và xác định cây trồng, vật nuôi có tiềm năng, tỉnh Lâm Đồng xác định NNƯDCNC là một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hiện tại và tương lai. Chương trình NNƯDCNC tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2011 - 2015 đưa ra những định hướng lớn cho nông dân và doanh nghiệp với những giải pháp chính sách cơ bản sau: (1) Quy hoạch sản xuất NNƯDCNC; (2) chính sách đất đai; (3) chính sách khoa học và công nghệ; (4) chính sách xúc tiến thương mại; (5) chính sách về đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lương cao; (6) chính sách tín dụng và (7) chính sách hợp tác và hội nhập quốc tế.
 
CNTT Lâm Đồng qua những con số:
 
* 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trên toàn tỉnh đã được triển khai và sử dụng có hiệu quả. Trong đó: 
- Mạng LAN với tổng số 4.109 máy tính.
- Trang thông tin điện tử tập trung trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.
- Hệ thống họp trực tuyến với 28 điểm cầu.
- Hệ thống Văn phòng điện tử, quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp.
- Ứng dụng chữ ký số trong việc luân chuyển văn bản.
 
* Hệ thống thư điện tử công vụ hiện đã cấp trên 6.000 tài khoản cho các tổ chức và cá nhân trong toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh.
 
* Hệ thống mạng CAMPUS tại Trung tâm hành chính tập trung với hơn 1500 người dùng.
 
* Hệ thống một cửa hiện đại và dịch vụ công trực tuyến mức 3 đã được đầu tư và sử dụng hiệu quả.
 
M.Đ (tổng hợp) 
Trong những năm qua, với tinh thần quyết tâm cao của hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nông dân, Chương trình NNƯDCNC tỉnh Lâm Đồng đạt được kết quả quan trọng, góp phần tăng trưởng kinh tế cao, tạo đột phá trong xây dựng nông thôn mới; xóa đói giảm nghèo và chủ động hội nhập quốc tế. Tỉnh đã xây dựng và phê duyệt 5 đề án quy hoạch, gồm: vùng sản xuất rau, chè tập trung; phát triển nuôi cá nước lạnh; vùng sản xuất cà phê; vùng sản xuất lúa; vùng sản xuất hoa, cây đặc sản có quy mô hàng hóa tham gia thị trường xuất khẩu.
 
Đầu tư chiều sâu trong công tác chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao là một trong những khâu đột phá để thực hiện NNƯDCNC. Lâm Đồng đã nghiên cứu, khảo nghiệm, phục tráng, di nhập trên 20 giống cây trồng mới có năng suất và chất lượng cao. Hiện có 58 cơ sở nuôi cấy mô thực vật sản xuất trên 30 triệu cây giống invitro, có trên 200 vườn ươm sản xuất với khoảng 2 tỷ cây giống rau, hoa và trên 4 triệu cây giống cây công nghiệp dài ngày phục vụ sản xuất và xuất khẩu; đồng thời nhập nội một số giống vật nuôi mới phát huy hiệu quả cao trong sản xuất.
 
Công tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, phát triển thương hiệu luôn được tỉnh quan tâm, do đó đã tổ chức thực hiện trên 40 đề tài, dự án nghiên cứu phục vụ NNƯDCNC. Sự kết nối giữa các cơ quan nghiên cứu khoa học và các doanh nghiệp ngày càng chặt chẽ hơn; kết quả nghiên cứu khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, góp phần nâng cao năng suất các yếu tố tổng họp (TFP). Một thành công lớn trong thực tiễn là các doanh nghiệp đã đầu tư lựa chọn công nghệ, thiết bị phù hợp; xây dựng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn - quy chuẩn sản xuất NNƯDCNC. Do đó hiện nay, hàng loạt các công nghệ tiên tiến trên thế giới được chuyển giao và áp dụng vào thực tiễn sản xuất có hiệu quả cao như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ kiểm soát dinh dưỡng đất, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ sau thu hoạch, công nghệ thủy canh; trong đó công nghệ thông tin còn rất nhiều tiềm năng ứng dụng trong nông nghiệp song chưa được khai thác, cần đầu tư chiều sâu khai thác trong những năm tới... Trên địa bàn Lâm Đồng hiện có trên 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh rau, hoa, cà phê, chè, cá nước lạnh và chăn nuôi bò sữa, trong đó có 4 doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT công nhận là doanh nghiệp NNCNC.
 
Ngày 4/5/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 575/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng NNƯDCNC đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó, Lâm Đồng có Dự án Khu NNƯDCNC là 1 trong 10 khu NNƯDCNC quốc gia và có 5 vùng sản xuất cây, con ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang triển khai thực hiện. Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh, tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng thương hiệu nông sản, đến nay đã có 16 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu, trong đó có 7 nhãn hiệu được cấp chứng nhận và 9 nhãn hiệu tập thể. Chủ động hợp tác quốc tế, tạo môi trường thông thoáng, công khai, minh bạch nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là NNƯDCNC. Trong 3 năm, tỉnh đã thu hút 67 doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực NNƯDCNC với tổng số vốn 4.640 tỷ đồng, chiếm 35,26% nguồn lực thực hiện. Hiện nay, Tập đoàn Tài chính Bejo đang đầu tư dự án sản xuất giống rau trên địa bàn huyện Lâm Hà với mục tiêu có quy mô xuất khẩu lớn nhất Đông Nam Á với kinh phí 9,5 triệu Euro; dự án nghiên cứu và nhân giống hoa cao cấp của Công ty TNHH Agrivina lớn nhất Việt Nam với kinh phí 1,5 triệu USD. Tỉnh cũng phối hợp với chính quyền tỉnh Đông Flanders (Bỉ) thực hiện Dự án Trung tâm công nghệ cao canh tác rau, hoa, cây cảnh trong nhà kính. Tỉnh Lâm Đồng đang phối hợp với tổ chức JICA thực hiện dự án xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm 3 dự án thành phần là: Dự án khu công nghiệp nông nghiệp; dự án Trung tâm sau thu hoạch và dự án chợ đầu mối hoa Đà Lạt.
 
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 43.084ha sản xuất theo hướng NNƯDCNC, chiếm 16,4% diện tích đất canh tác. Hiện đã có 150 tổ chức và hộ nông dân được cấp chứng nhận sản xuất sau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic với quy mô trên 2.000ha, đáp ứng rau an toàn tại thị trường thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn trong nước; 30 cơ sở cung ứng rau cho hệ thống các siêu thị lớn trong nước và đồng thời xuất khẩu đến nhiều nước trên thế giới. Trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tỉnh luôn có định hướng phát triển NNƯDCNC trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao phù hợp; chủ động sản xuất trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu; sản xuất nông sản có chứng nhận; sản xuất theo chuỗi giá trị; lấy chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá thành nông sản là mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế.
 
Phát huy tính bền vững, Lâm Đồng đã và đang xây dựng để trở thành những trung tâm nông sản không chỉ của quốc gia mà còn của khu vực và mang tầm thế giới. Đó là trung tâm rau của Việt Nam và Đông Nam Á; là thủ đô hoa của Việt Nam và Đông Nam Á; xây dựng trung tâm cà phê Robusta có năng suất cao nhất thế giới, một trong những vùng cà phê Arabica có chất lượng cao trên thế giới. Đó là trung tâm chè Việt Nam, vùng chè Ôlong có năng suất cao nhất thế giới; trung tâm sản xuất Đông trùng Hạ thảo (nấm Ophiocordyceps sinensis) của Việt Nam và Đông Nam Á với hàm lượng dưỡng chất cao. Đó còn là trung tâm sản xuất cây giống invitro quy mô công nghiệp của Việt Nam và Đông Nam Á (hiện nay sản lượng 30 triệu cây/năm, phấn đấu 2020 lên 50 triệu cây/năm); là một trong những trung tâm bò sữa của cả nước và Đông Nam Á; trung tâm cá nước lạnh của Việt Nam và Đông Nam Á; trung tâm cây dược liệu của cả nước và quốc tế và là một trong những trung tâm bò thịt cao sản của cả nước và Đông Nam Á…
 
Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng có thành phố Đà Lạt là thành phố rất ít trên thế giới có thể trồng trọt có hiệu quả nhiều loại cây trồng, cả cây ôn đới và cây nhiệt đới sản xuất nông nghiệp bền vững. Cùng với những ưu thế về cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, kiến trúc…, NNƯDCNC của Đà Lạt - Lâm Đồng đã và đang trở thành tiềm năng phát triển loại hình du lịch canh nông có tầm cỡ khu vực và quốc tế.
 
TS PHẠM S  - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng

Tin tức gần đây:

Việt Nam sẽ trở thành Hà Lan của ngành trồng hoa Châu Á?

Việt Nam sẽ trở thành Hà Lan của ngành trồng hoa Châu Á?>

Trong 10 năm trở lại đây, lượng xuất khẩu hoa của Việt Nam sang thị trường lớn thứ ba thế giới là Nhật Bản đã tăng gấp bốn lần

Lâm Đồng là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững

Lâm Đồng là trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bền vững>

tỉnh Lâm Đồng có nhiều thuận lợi cho phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi dựa vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC).

Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động sở hữu trí tuệ

Hỗ trợ doanh nghiệp Lâm Đồng trong hoạt động sở hữu trí tuệ>

Để phát triển tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các ngành hàng thế mạnh của tỉnh và các tài sản trí tuệ mang tính cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) cho các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của địa phương